Du lịch cộng đồng ở Bắc Sơn: Duy trì và phát triển
(Updated: 7/10/2018 9:53:13 PM)
Bắc Sơn là huyện có điều kiện thuận lợi về cảnh sắc thiên nhiên, nét đẹp văn hóa dân tộc và truyền thống lịch sử. Với tiềm năng đó, huyện Bắc Sơn đã lựa chọn hướng phát triển du lịch cộng đồng và nhân rộng mô hình để phát huy và giữ vững thế mạnh của địa phương.
Duy trì làng văn hóa
Thời gian qua, hướng phát triển du lịch cộng đồng được người dân Bắc Sơn tích cực ủng hộ, khởi đầu là làng văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn với sự tham gia của 5 hộ gia đình chính thức hoạt động từ năm 2012, trung bình hằng năm thu hút trên 7.000 lượt du khách. Đến Quỳnh Sơn, du khách được tham quan các di tích và trải nghiệm lối sống, sinh hoạt trong những căn nhà sàn truyền thống và ẩm thực độc đáo của người Tày Bắc Sơn. Để đổi mới và đáp ứng nhu cầu của khách tham quan, hiện nay có thêm 3 hộ gia đình trong xã đăng ký tham gia và đội văn nghệ hát then của làng Quỳnh Sơn nay đã phát triển thêm 2 đội với khoảng 30 thành viên, đa dạng các loại hình biểu diễn như: hát cửa đình, hát ví, múa rối tiên…Vừa qua, xã phát động phong trào trồng cây móng rồng trước cổng nhà của gần 50 hộ gia đình để tạo không gian xanh mát. Theo chỉ đạo của huyện, xã đang khảo sát để hình thành một con đường xuyên suốt từ cửa làng “nối” đình Quỳnh Sơn, cây đa nghìn tuổi… và những địa điểm đẹp trong làng, tạo điều kiện cho du khách thuận tiện tham quan.
Anh Hoàng Thế Vinh, Trưởng phòng Văn hóa huyện Bắc Sơn cho biết: Năm 2010, huyện bắt đầu vận động nhân dân xã Quỳnh Sơn thí điểm xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng và đến nay, mô hình đã đem lại hiệu quả. Nhận thấy tất cả các xã của huyện Bắc Sơn đều có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, chúng tôi chú trọng định hướng và trang bị kiến thức cho nhân dân bởi nhân dân là chủ thể trực tiếp thực hiện mô hình du lịch này. Bên cạnh việc phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh tổ chức tập huấn cho nhân dân về kiến thức du lịch, vừa qua, huyện đã tổ chức 2 cuộc cho một số người dân tham quan làng nghề Phú Xuyên (Hà Nội) và huyện Mai Châu (Hòa Bình) để học tập kinh nghiệm.
Phát triển du lịch
Với mục tiêu nhân rộng loại hình du lịch cộng đồng, đầu năm 2018, huyện Bắc Sơn nhận định xã Vũ Lăng là địa điểm có nhiều điều kiện thuận lợi hình thành khu du lịch sinh thái cộng đồng. Xã Vũ Lăng có hai hồ nước ngọt lớn với tổng diện tích trên 30 ha, xen giữa nhiều đồi, rừng tạo không khí trong lành và hai di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt là đèo Thâm Thông – Dập Dị, nhà truyền thống trường Vũ Lăng. Anh Nguyễn Văn Tích (thôn Tràng Sơn 3, xã Vũ Lăng) cho biết: Những năm qua, nhiều du khách tự tìm đến Vũ Lăng để đi bè mảng, câu cá giải trí và thưởng thức ẩm thực tại chợ xã. Thấy xã mình có tiềm năng, tháng 12/2017, tôi cùng 7 hộ gia đình trong thôn kết hợp xây dựng khu du lịch sinh thái cộng đồng. Chúng tôi được Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh tập huấn kiến thức về du lịch, hỗ trợ xây cổng vào và mua sắm chăn màn… Đến tháng 6/2018, chúng tôi đã đầu tư khoảng 500 triệu đồng để làm đường bê – tông, bãi đỗ xe và đang xây dựng 3 nhà sàn cùng công trình phụ, phấn đấu hoàn thành trước ngày 27/9 (kỷ niệm khởi nghĩa Bắc Sơn) để phục vụ du khách.
Dự kiến sau khi đưa vào hoạt động bước đầu, các hộ gia đình sẽ tiếp tục tái tạo 3 khu đồi trong khu sinh thái để trồng hoa sở, hoa hồi, hoa sim và xây thêm 2 nhà sàn. Ông Đặng Văn Hội, Chủ tịch UBND xã Vũ Lăng cho biết: Sau khu du lịch sinh thái cộng đồng tại thôn Tràng Sơn 3, chúng tôi định hướng xây dựng thêm làng văn hóa du lịch cộng đồng tại thôn Bản Trăng. Qua khảo sát thấy rằng, thôn đủ điều kiện, có sẵn nhà sàn với 11 hộ gia đình đã đăng ký tham gia. Xã rất tán thành và khuyến khích người dân tham gia xây dựng các khu du lịch cộng đồng nhằm giúp bảo tồn và phát huy những nét đặc sắc của dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái đồng thời tạo nguồn lực phát triển kinh tế cho nhân dân.
Bắc Sơn chú trọng phát triển du lịch
Cách Hà Nội chừng 160km, Bắc Sơn (Lạng Sơn) được biết đến với cảnh quan thiên nhiên phong phú, đa dạng; có hệ thống di tích lịch sử cách mạng, danh lam thắng cảnh, các đình, đền mang tính tín ngưỡng dân gian, lễ hội truyền thống; vùng đất cách mạng với 14 xã An toàn khu của Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp; nơi nức danh với những vườn quýt vàng trĩu quả, thơm ngon đậm đà… là những tiềm năng để phát triển du lịch nơi đây.
Bắc Sơn, hiện đang triển khai các loại hình du lịch tiêu biểu như: du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh...; Một số điểm du lịch thu hút nhiều khách tham quan như: Đỉnh núi Vi Ba, Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn, Làng Văn hóa du lịch cộng đồng xã Quỳnh Sơn, đình Quỳnh Sơn, đình Làng Mỏ, đình Nông Lục... Với 12 điểm di tích cấp quốc gia đặc biệt, 1 điểm di tích quốc gia, 14 di tích cấp tỉnh, trong đó phần lớn các di tích đều nằm trên địa bàn các xã ATK. Di tích lịch sử cách mạng chiếm số lượng khá lớn như: Đồn Mỏ Nhài, rừng Khuổi Nọi, địa danh Bó Tát, Sa Khao, Lân Táy – Mỏ Pia, đèo Tam Canh, đình Nông Lục, trường Vũ Lăng…; di tích thắng cảnh hồ Pắc Mỏ, hang Cốc Lý… Cùng với những bản sắc riêng của dân tộc Tày về phong tục tập quán, trang phục, lối sống, hình thức sinh hoạt đặc trưng… chính là những tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn quan trọng góp phần phát triển du lịch tại huyện Bắc Sơn.
Ông Hoàng Thế Vinh, Trưởng Phòng Văn hóa huyện Bắc Sơn, cho biết, năm 2017, Bắc Sơn cũng đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch xây dựng Đề án phát triển du lịch huyện Bắc Sơn giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Đặc biệt, chúng tôi cũng đã phối hợp với Sở VHTTDL khảo sát xây dựng các tour, tuyến du lịch trên địa bàn huyện; khảo sát xây dựng các điểm du lịch trọng điểm và kêu gọi nguồn lực đầu tư phát triển Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn.
Để công tác phát triển du lịch tại Bắc Sơn đạt được hiệu quả, thời gian tới, Bắc Sơn sẽ chú trọng đầu tư, mở rộng Làng Văn hóa du lịch cộng đồng xã Quỳnh Sơn: phục dựng chùa Quỳnh Sơn, xây dựng khu vui chơi giải trí cho trẻ em, quầy hàng lưu niệm, phục dựng bờ rào đá, cải tạo dòng chảy suối Quỳnh Sơn…; xây dựng Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Pác Mỏ (xã Hữu Vĩnh); khảo sát, cải tạo một số hang động cacxto phục vụ du lịch (hang Thắm Hoay, hang Thắm Hoài, hang Nàng Tiên, hang Mỏ Hao...); xây dựng đường lên và các điểm dựng trên các ngọn núi để ngắm thung lũng Bắc Sơn, Rừng Nghiến nguyên sinh tại xã Bắc Sơn…; xây dựng các bãi tắm nhân tạo, phát triển các sản phẩm nông nghiệp (phát triển lân quýt, trồng hoa tam giác mạch...) kết hợp với du lịch về nguồn, du lịch sinh thái tại điểm du lịch địa phương Khuổi Nọi (xã Vũ Lễ), các điểm di tích tại xã Tân Hương, Tân Lập... Đặc biệt, chúng tôi sẽ hợp tác với một số công ty và hãng lữ hành uy tín tại Hà Nội và các địa phương khác để chào bán tour đến tham quan trải nghiệm và khám phá Bắc Sơn. Điểm nhấn là tour quýt vàng – thế mạnh của vùng để phát triển kinh tế du lịch tại địa phương – ông Vinh nhấn mạnh.
Được biết, Bắc Sơn hiện có 13 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, trong đó có 5 cơ sở kinh doanh hình thức du lịch cộng đồng. Ước tính, đến hết tháng 11/2017, Bắc Sơn đã thu hút khoảng 1,2 triệu lượt khách đến tham tham quan, trải nghiệm và nghỉ dưỡng. Trong đó, khoảng 90% là khách trong nước. Doanh thu từ du lịch ước đạt gần 1 tỷ đồng.
Sails of Indochina - Bac Son valley
Other updated news
- Khám phá rừng ngập mặn Phù Long, Catba
- Du lịch Cát Bà cung Sails of Indochina
- Khám phá rừng ngập mặn Phù Long
- Du lịch sinh thái cộng đồng Phù Long - Catba Zen Garden Retreat
- Đảo Mắt Rồng – Điểm đến mới hứa hẹn “đánh bật” Nam Du, Lý Sơn
- Các điểm thăm quan và kinh nghiệm du lịch trên vịnh Bái Tử Long
- Du lịch Hạ Long bằng thủy phi cơ
- Thiên đường du lịch mùa thu trên Vịnh Lan Hạ
- Hải đăng Long Châu
- Bay ngắm cảnh "Đảo Đầu Lâu Skull Island" King Kong bằng Thủy phi cơ Cessna Grand Caravan 208B-EX
- Khám phá vẻ đẹp Vịnh Hạ Long và Lan Hạ trên thủy phi cơ
- DU LỊCH BẮC SƠN, LẠNG SƠN VÀ TRẢI NGHIỆM VĂN HÓA TẠI KHU DU LỊCH SINH THÁI CỘNG ĐỒNG QUỲNH SƠN
- Du lịch sinh thái cộng đồng, ecolife homestay - Sinh kế mới cho xã đảo Phù Long
- Khám phá rừng ngập mặn Phù Long - Ecolife Homestay
- Sinh kế mới từ rừng ngập mặn Ecolife tại xã Phù Long - Lan Ha - Cát Bà